Ngoài việc thực hiện các quy định trong TCVN, các quy định của ngành quản lý, quy định và yêu cầu của nhà sản xuất, đơn vị lắp đặt quản lý vận hành có thể tham khảo nội dung dưới đây để theo dõi, thực hiện trong suốt quá trình vận hành của máy biến áp, mục đích để máy biến áp và lưới điện an toàn, tăng tuổi thọ cho thiết bị.

Trong điều kiện làm mát quy định máy biến áp có thể vận hành với những tham số ghi trên nhãn máy của nhà chế tạo. Thực hiện thao tác theo các biển chỉ dẫn ghi trên thân máy và mác máy. Các máy biến áp lực cho phép quá tải bình thường, thời gian và mức độ quá tải phụ thuộc vào đồ thị phụ tải ngày, nhiệt độ môi trường làm mát và mức độ non tải khi thấp điểm. Các máy biến áp đều được phép quá tải cao hơn dòng điện định mức với tỷ lệ % quy định của nhà sản xuất và với tổng số thời gian không quá 6 giờ trong một ngày đêm trong 5 ngày liên tiếp, với điều kiện hệ số phụ tải ban đầu không quá 0,93 (khi đó phải tận dụng hết khả năng mọi trang bị làm mát của máy biến áp). Để cân bằng phụ tải giữa các máy biến áp đang làm việc song song có điện áp ngắn mạch khác nhau, cho phép thay đổi tỷ số biến áp trong giới hạn nhỏ bằng cách thay đổi nấc điện áp với điều kiện khi đó không có máy biến áp nào quá tải. Hai máy biến áp có dung lượng khác nhau vận hành song song phải đáp ứng các điều kiện của nhà chế tạo. Kiểm tra máy biến áp đang vận hành bình thường. Để bảo đảm máy biến áp làm việc lâu dài và an toàn cần: Giám sát nhiệt độ, phụ tải và mức điện áp; Giám sát nghiêm ngặt tiêu chuẩn về chất lượng dầu và đặc tính cách điện; Bảo quản tốt các thiết bị làm mát, điều chỉnh điện áp, bảo vệ dầu và các trang bị khác.

Khi xem xét máy biến áp đang vận hành, nhân viên trực nhật phải đứng ở ngưỡng cửa phòng đặt máy phía trước rào chắn. Có thể được phép vượt qua rào chắn với điều kiện là 2 các mặt bích phía dưới các sứ trên nắp máy biến áp và những bộ phận có điện trên lối đi không có rào che phải ở độ cao tối thiểu là: 2,5m đối với điện áp từ 10kV trở xuống. 2,75m đối với điện áp 35kV.

Đối với các máy biến áp của nhà máy điện hoặc trạm có người trực phải căn cứ vào các đồng hồ đo lường của bảng điện để kiểm tra vận hành. Mỗi giờ phải ghi thông số của các đồng hồ (trong đó có cả nhiệt độ dầu máy biến áp) một lần. Nếu máy vận hành quá tải thì nửa giờ ghi thông số một lần.

Đối với các máy biến áp không có người trực mỗi lần đi kiểm tra phải ghi điện áp, dòng điện và nhiệt độ dầu vào sổ vận hành theo tiêu chuẩn ngành quy định/ và hoặc theo hướng dẫn của nhà chế tạo. Đối với các máy biến áp phân phối phải kiểm tra phụ tải ba pha vào giờ cao điểm xem có cân bằng không, nếu cần phải có biện pháp phân bố lại phụ tải. Xem xét, kiểm tra (không cắt điện) máy biến áp phải tiến hành theo định kỳ sau: Ở nơi có người trực thường xuyên ít nhất mỗi ca một lần đối với các máy biến áp chính của nhà máy điện và trạm biến áp, các máy biến áp tự dùng làm Việc và dự phòng, các cuộn điện kháng. Ba ngày một lần đối với các máy biến áp khác. Ở nơi không có người trực thường xuyên: Đối với những máy biến áp từ 1000kVA trở lên 15 ngày một lần; những máy biến áp khác 3 tháng một lần, tuỳ theo yêu cầu cụ thể.

Kiểm tra bất thường máy biến áp phải được tiến hành khi: Nhiệt độ máy đột ngột thay đổi. Khi máy bị cắt bởi rơ le hơi hoặc so lệch. Nội dung công việc kiểm tra, xem xét bên ngoài các máy biến áp bao gồm: Kiểm tra bề mặt các sứ cách điện, sứ đầu vào (có rạn nứt, bẩn, chảy dầu). Kiểm tra vỏ máy biến áp có nguyên vẹn và có bị rỉ dầu không. Kiểm tra các ê cu ty sứ bắt dây lèo xem có lỏng; Kiểm tra mầu sắc dầu trong bình dầu phụ, mức dầu trong bình dầu phụ, trong thân máy đối với máy kín. Kiểm tra trị số của nhiệt kế, áp kế. Kiểm tra các trang bị làm mát và các trang bị tái sinh dầu liên tục. Kiểm tra rơ le hơi, van an toàn, mặt kính ống phòng nổ, vị trí của van giữa rơle và bình dầu phụ. Kiểm tra các thiết bị báo tín hiệu. Kiểm tra các đầu cáp, thanh dẫn, các điểm nối xem tiếp xúc có bị phát nóng không. Kiểm tra hệ thống nối đất. Kiểm tra tiếng kêu của biến áp có bình thường không. Kiểm tra màu sắc của hạt hút ẩm trong bình thở. Kiểm tra tình trạng buồng biến áp: cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông hơi, đèn chiếu sáng, lưới chắn. Kiểm tra các trang bị phòng, chữa cháy. Dầu trong các máy biến áp làm mát cưỡng bức phải được tuần hoàn liên tục không phụ thuộc mức phụ tải. Không được phép vận hành máy biến áp làm mát cưỡng bức nếu không đồng thời đưa vào làm việc các bộ báo tín hiệu ngừng dầu tuần hoàn, ngừng tuần hoàn nước làm mát hoặc ngừng quạt gió. Theo dõi mức dầu trên phao hoặc đồng hồ để có biện pháp xử lý. Các trang bị phòng chống cháy đặt cố định, trang bị thu gom dầu dưới máy biến áp và ống xả dầu từ đó ra phải được bảo quản trong trạng thái sẵn sàng làm việc.

 Xử lý máy biến áp vận hành không bình thường. Trong khi vận hành nếu thấy máy biến áp có những hiện tượng khác thường như chảy dầu, thiếu dầu, máy bị nóng quá mức, có tiếng kêu khác thường, phát nóng cục bộ ở đầu cốt sứ, bộ điều chỉnh điện áp hoạt động không bình thường phải tìm mọi biện pháp để giải quyết, đồng thời báo cấp quản lý tìm nguyên nhân ghi vào sổ nhật ký vận hành. Khi lắp đặt máy biến áp tại trạm, công nhân lắp ráp thực hiện các thao tác chưa đúng kỹ thuật kể cả thí nghiệm không phát hiện ra, như: lắp chệch hoặc lỏng các êcu ty sứ, khi tháo lới êcu tại các vị trí lắp ráp không chặt, làm hở đối với máy kín v.v. khi máy biến áp vận hành đều bị ảnh hưởng, gây sự cố máy. Chủ đầu tư hoặc người xử dụng phải giám sát kiểm tra chặt chẽ.

Khi xảy ra bất bình thường, cần tìm nguyên nhân và xử lý ngay. Chú ý đối với máy biến áp có chế độ đóng điện vận hành thất thường, như thường xuyên cắt điện luân phiên, phải kiểm soát và tuân thủ việc hướng dẫn của nhà chế tạo để thí nghiệm trước khi đóng điện lại. Khi máy biến áp trục trặc xảy ra, phải nghi hoặc đến nguyên nhân này để đưa ra phương án xử lý (bắt đúng bệnh). Máy biến áp phải được đưa ra khỏi vận hành trong các trường hợp sau đây: Có tiếng kêu mạnh không đều và tiếng phóng điện bên cạnh máy; Sự phát nóng của máy tăng lên bất thường và liêu tục trong điều kiện làm mát bình thường, phụ tải định mức; Dầu tràn ra ngoài máy qua bình dầu phụ, vỡ kính phòng nổ hoặc dầu phun ra qua van an toàn; Mức dầu hạ thấp dưới mức quy định và còn tiếp tục hạ thấp (thông qua kính nhìn dầu hoặc phao báo dầu lắp trên thân máy biến áp); Mầu sắc của dầu thay đổi đột ngột; Các sứ bị rạn, vỡ, bị phóng điện bề mặt, áp lực dầu của các sứ kiểu kín không nằm trong quy định của nhà chế tạo, Đầu cốt bị nóng đỏ; Khi kết quả phân tích dầu cho thấy dầu không đạt các tiêu chuẩn, hoặc khi độ chớp cháy giảm quá 50C so với lần thí nghiệm trước. Khi máy biến áp quá tải cao hơn định mức quy định, nhân viên trực ca phải tìm biện pháp điều chỉnh và giảm bớt phụ tải của máy. Khi nhiệt độ dầu trong máy biến áp tăng lên quá mức giới hạn, nhân viên trực ca phải tìm nguyên nhân và biện pháp để giảm bớt nhiệt độ bằng cách: Kiểm tra phụ tải của máy biến áp và nhiệt độ môi trường làm mát; Kiểm tra thiết bị làm mát, tình hình thông gió của buồng đặt máy. Nếu nhiệt độ của máy biến áp lên cao chưa rõ nguyên nhân mà có điều kiện cắt máy để sửa chữa thì nên cắt điện để sửa chữa, khi điều kiện vận hành không cho phép cắt điện hoặc khi không cần cắt máy vẫn có thể sửa chữa được thì chỉ cần ngừng riêng thiết bị làm mát, đồng thời nhân viên trực ca phải điều chỉnh giảm bớt phụ tải cho phù hợp với công suất của máy biến áp trong điều kiện vận hành không có thiết bị làm mát. Nếu mức dầu hạ thấp mức quy định thì phải bổ sung dầu phải bổ sung dầu theo quy trình. Nếu vì nhiệt độ tăng cao mà mức dầu trong máy biến áp lên cao quá quy định thì phải tháo bớt dầu khỏi máy (nếu được đối với máy hở). Khi bổ sung dầu phải theo đúng quy định của nhà chế tạo.

Khi rơ le hơi tác động báo tín hiệu phải xem xét bên ngoài máy biến áp, lấy mẫu khí trong rơ le để phân tích và kiểm tra tính chất cháy của khí. Nếu khí cháy được hoặc trong khí có chứa những sản phẩm do phân huỷ chất cách điện phải nhanh chóng cắt máy biến áp. Trường hợp chất khí không sắc, không mùi, không đốt cháy được thì vẫn có thể để máy biến áp tiếp tục vận hành. Rơ le hơi có thể phát tín hiệu nhầm do các lý do sau: Lọt khí vào máy biến áp do có sơ hở trong hệ thống làm mát cưỡng bức hoặc không khí vào theo dầu khi lọc dầu hoặc bơm dầu mới chưa khử khí; Thiếu dầu, mức dầu hạ quá thấp; Xung động do ngắn mạch trên lưới làm dầu bị đẩy ngược lên bình dầu phụ; Chênh lệch áp suất trong bình dầu phụ và ống phòng nổ; Sự cố, chạm chập mạch nhị thứ. Khi kiểm tra chất khí có thể cháy được hay không phải hết sức thận trọng, không được đưa lửa quá gần van xả khí của rơ le hơi mà phải để cách 5-6 cm và hơi chếch sang một phía. Nếu nguyên nhân rơ le hơi tác động không phải là do không khí lọt vào máy biến áp thì phải kiểm tra nhiệt độ chớp cháy của dầu và nếu nhiệt độ chớp cháy giảm quá 50C so với lần thí nghiệm trước thì phải tách máy ra khỏi vận hành. Nếu nguyên nhân rơ le hơi tác động là do không khí ở trong dầu thoát ra thì phải xả hết không khí trong rơ le hơi. Trường hợp xả nhiều lần không hết không khí thì cho phép chuyển rơ le hơi sang vị trí báo tín hiệu và báo cáo ngay với cấp trên. Khi máy biến áp bị cắt do rơ le hơi hoặc rơ le so lệch thì chỉ được đưa máy trở lại vận hành sau khi đã xem xét, thử nghiệm, phân tích mẫu khí và khắc phục những điểm bất thường. Nếu việc cắt máy biến áp dẫn đến việc ngừng cấp điện cho những hộ sử dụng điện quan trọng, cho phép dùng máy cắt đóng lại một lần nếu máy biến áp đó có cả bảo vệ so lệch và bảo vệ hơi nhưng chỉ bị cắt bởi một trong hai bảo vệ đó và không thấy rõ dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ máy hư hỏng. Trường hợp máy biến áp bị cắt do các bảo vệ khác ngoài so lệch và rơ le hơi có thể đóng máy biến áp trở lại làm việc không cần kiểm tra. Khi máy biến áp bị sự cố nặng (cháy máy) cần phải cắt hoàn toàn điện áp khỏi máy và tiến hành dập lửa theo quy trình phòng chống cháy nổ. Phải tiến hành xả dầu ở van xả dầu sự cố tại đáy máy nếu điều kiện cho phép. Đặc biệt chú ý không để lửa lan đến các máy biến áp và các thiết bị điện khác ở xung quanh. Đối với những máy biến áp vận hành trong điều kiện khắc nghiệt, có dòng thường xuyên thay đổi đột ngột (dây chuyền lò đúc thép) phải có chế độ theo dõi riêng biệt. Trường hợp này, máy biến áp thường xuyên làm việc quá tải với thời gian ngắn, cần kiểm tra các vị trí tiếp xúc tại ty sứ, đầu cốt là vị trí dễ phát nóng làm hỏng gioăng gây chảy dầu. Phải xác định đúng nguyên nhân, hạn chế biện pháp xử lý không đúng./. 

NHẬN EMAIL- SỐ ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ TƯ VẤN